Hoàng hôn trên dòng kênh xanh
Crwth

trigger warning: cái chết, tự tử, thi thể
“Đã nâng lên cao,
Cây cầu
gõ vào cái chuông đồng trên tháp.”
Đến giữa cầu thì tôi lại được nhìn thấy nó: cái tháp chuông nhà thờ có hình dáng giống như một chiếc thang bắc lên trời. Nó vẫy chào tôi bên kia dòng kênh, cú vẫy lơ đễnh trong không gian của buổi chiều nhẹ tênh màu cam ruột quýt. Căn tháp gầy guộc bao bọc lấy quả chuông đồng âu yếm như một người đàn bà bao bọc cho đứa con của mình. Bên phía tháp chuông ấy, giữa ma trận của những mái nhà lố nhố là biết bao nhiêu thứ gắn bó với cuộc sống ban ngày ở tuổi ấu thơ của tôi. Có những đêm trường sau khi trải qua nhiều cơn mộng mị liên miên, tôi lại thấy hồn mình tìm về cây cầu này, đứng thẫn thờ ngắm nhìn căn tháp. Chúng tôi bị ngăn cách bởi màn sương mù dày đặc đến từ những ký ức đã bị lãng quên về một dòng kênh miên man len lỏi giữa hai bờ. Dòng kênh âm thầm lấp lánh màu lục bảo từ những cụm rêu già vương vãi trên mặt nước. Lớp lớp những cơn sóng theo đuôi những chiếc xuồng máy ngả về hai bên rồi sà vào lòng một chòm lục bình mắc kẹt bên bờ, nâng đỡ cho nhành hoa tím sữa khẳng khiu trước sức cám dỗ độc địa của bóng chiều loang.
Hoàng hôn đã sà xuống trên thành cầu đông đúc những đám trẻ con nô giỡn. Những đứa trẻ mặt mày nhem nhẻm đen, quần áo xộc xệch, hồn nhiên cười nói lớn tiếng những kiểu câu tục tĩu mà chỉ người lớn hiểu được ý nghĩa. Chúng không bận tâm biết đến sự bài xích của người ta. Cũng như bao người khác trên cầu, tôi chưa từng tiếp xúc trực tiếp với những đứa trẻ ấy. Nhà tôi ở trong một con hẻm nhỏ cách xa nơi đây. Tôi và lũ trẻ chỉ giáp mặt nhau vào thời khắc ngắn ngủi cuối ngày trước khi ánh tà dương vụt tắt phía bên kia dòng kênh. Sở dĩ tôi nhận ra chúng là vì chiều nào đi học về tôi cũng nhìn thấy từng đấy đứa ra đây ngồi. Nhưng ngược lại chúng chẳng lấy gì là để ý đến một đứa con gái xa lạ như tôi.
- Tắm đi bây! Nóng quá!
Đứa cao nhất trong đám hô to lên kéo tôi trượt khỏi những đường ray suy nghĩ của mình. Nó ở trần, cái bụng lép kẹp, giơ tay vẫy vẫy chiếc áo đồng phục như thể đó là một lá cờ hiệu. Những đứa khác lũ lượt đứng dậy, không đứa nào muốn mình chậm chân so với chúng bạn. Tôi lặng nhìn theo những bóng lưng gầy nhom tung mình như thể đang bay vào không trung. Những bóng lưng hướng về phía mặt trời, chói rực đến mức không còn có thể nhìn rõ. Thế nhưng sự hiện diện của chúng trên cây cầu thì dường như không biến mất sau khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, ngược lại còn trở nên mạnh mẽ hơn. Vì kéo theo sau đó là những tiếng đập nước giòn giã nối liền nhau, vang vọng dai dẳng như âm thanh ù ù của chuông ngân.
Những chiếc xuồng máy cuối cùng của ngày đã đi khỏi khúc kênh này trước khi chiều đến. Dưới kênh chỉ có đám trẻ con và những ngôi nhà tôn lợp ở xa xa. Tiếng đập nước ngang nhiên chiếm lĩnh một vùng trời, vượt lên trên những tiếng lầm bầm, những tiếng ề à gầm gừ của xe cộ. Ai nấy cũng đều đã buông mình theo dòng chảy mát rượi hắt lên từ con kênh. Họ thấy mình trôi lững lờ theo sau những năm tháng đã không còn rõ hình thù. Không có cuộc truy đuổi nào dành cho dĩ vãng, cũng không có sự tranh chấp nào giằng co giữa dĩ vãng và thực tại. Ở đây, chúng chỉ là những chiếc bóng phản chiếu mơ hồ của nhau trên mặt nước. Song hành. Đằng đẵng. Gieo rắc vào tâm trí của những con người nơi đây một ảo tưởng đoàn tụ xa xăm.
Cây cầu đã lùi lại phía sau trong tấm kính chiếu hậu. Gió len lỏi vào những khoảng trống hiếm hoi giữa dòng xe đã vào giờ vội vã. Gió đột ngột lao mình đi tứ phía, khẩn khoản như thể đang khiếp đảm trước sự hiện diện của thế lực huyền bí ẩn mình dưới những gợn sóng lăn tăn. Sau trận gió, những bóng cây bên bờ kênh lại gục đầu xuống trở về với dáng vẻ tĩnh lặng ban đầu. Vào giây phút vạn vật im lặng nhất thì nỗi xốn xao lại dâng lên trong lòng người. Như một lời hồi đáp chính thức cho nỗi bất an vô định cứ quẩn quanh trong tâm trí người ta bao lâu nay, một đứa trong đám trẻ con kêu lên thất thanh:
- Chết, có người chết trôi!
Tiếng đập nước xối xả. Tiếng la ó. Chẳng mấy chốc bọn trẻ đã tháo chạy hết lên bờ. Trong khi lũ trẻ mặt mày xanh lét, ba chân bốn cẳng để rời khỏi dòng nước thì những người lớn lại kéo đến vây kín lấy hiện trường.
Mặc dù muốn nhưng bố tôi cũng không thể chạy xe đi khỏi đoạn đường ấy ngay được. Kẹt cứng. Chúng tôi bị bắt ép phải nghe về chuyện chết chóc với nhiều tông giọng khác nhau trong khi người ta đắp chiếu cho cái xác kéo lên được từ dưới kênh và thắp nhang cho linh hồn tội nghiệp ấy.
- Ai đó?
- Mà tại sao lại chết?
Những người ngồi xe bất đắc dĩ bị giữ lại vì kẹt đường, trong đó có tôi và bố tôi, là những người đang phải chịu đựng nỗi kinh sợ run rẩy chạy dọc sống lưng mình, chỉ sau đám trẻ con vừa trực tiếp chứng kiến cảnh tượng ghê rợn. Thế còn những người trên bờ kè, và những người ở trong các ngôi nhà sàn trên dòng nước đang ngóc đầu ra xem, thì nỗi kinh sợ của họ đã vơi đi mất một yếu tố kịch tính. Nó chỉ hiển hiện ở đường chau lại trên những gương mặt đã tối đen. Như đơn thuần đang ngẫm nghĩ, suy tư. Không còn bất ngờ nữa. Chính vẻ ma quái của dòng kênh đã tố cáo nó ngay từ những ngày đầu họ gắn bó với nơi này.
- Tự tử.
Họ nói với nhau.
- Trước đây cũng vậy.
Họ tò mò nhưng tuyệt nhiên không muốn đào sâu vào cơn tò mò nhất thời ấy.
- Dưới đó có gì mà…
- Ăn nói xằng bậy!
Loáng thoáng thì cũng đã đủ cho những người ngồi xe hiểu được toàn cảnh. Bàn tay con người hay bàn tay số phận? Điều gì đã khiến cho người ta tìm về dòng kênh này để rời bỏ cuộc sống? Hay điều gì khiến cho ý nghĩ duy nhất của những người đứng trước dòng chảy êm ả như thế này lại là cái chết? Độ sâu theo như những thanh sắt cắm xuống lòng kênh đo được tầm bảy mét, thi thoảng đạt đến chín mét và tràn ra đường vào mùa mưa. Mắt thường dĩ nhiên không thể nhìn đến đáy. Màu đen của bùn và màu xanh của rong rêu vừa kĩ lưỡng, vừa hời hợt phủ lên bí mật thầm kín ở dưới đáy kênh một tấm màn che đậy, như thể giễu cợt với thần trí không vững vàng của con người. Những cọc sắt nhọn hoắc khi nước cạn lại ngoi lên. Những mảnh vỡ không rõ là tàn dư của cuộc hủy hoại nào lẫn trong đống bùn được xà lang múc lên. Nó làm cho chúng ta liên tưởng đến con người trong phần vô thức - những cái chết mà chỉ có nạn nhân và hung thủ chứng kiến, đã phân rã trong đống bùn tạp nham trong lúc cuộc sống bên trên mặt nước vẫn tiếp diễn với các thăng trầm của nó.
Để khai thác câu trả lời thì người ta sẽ phải hút sạch nước của con kênh và nạo đi hết những bùn sình dưới đáy. Đến lúc đó thì chết chóc mới ngừng lại. Thế nhưng sự sống cũng sẽ vì nó mà gián đoạn theo. So với việc dọn dẹp mặt bằng để đào kênh thì việc kết thúc số mệnh của con kênh tốn nhiều thời gian hơn. Cần nhiều tháng để thuyết phục người ta tin vào nguy hiểm mà con kênh mang lại. Sau khi lấp kênh rồi lại còn cần nhiều năm để cho người ta quên đi những tiện ích mà người ta vốn đã được hưởng từ nó. Phải có một thứ quy mô hơn nỗ lực vật lý, một thứ ý nghĩa trừu tượng lớn hơn tôn giáo của đồng tiền để ngăn chặn mọi âm mưu khai quật lại những lợi ích từ dòng kênh mà họ đánh mất.
Vào giờ cao điểm, thuyền đi lại đông đúc ở dòng kênh không kém gì xe trên cạn. Thuyền nào thuyền nấy đều chất đầy hàng hóa, trái cây, thủy sản, vải vóc…Nhưng mũi thuyền nào cũng rẽ sóng rất khẽ khàng. Chỉ có lũ trẻ sống quanh khu đó. Chỉ có lũ trẻ mới có thể xông xáo, ồn ào như thế. “Điếc không sợ súng” là câu nói chẳng bao giờ lỗi thời. Nhiều khi không phải là phụ huynh của chúng không mảy may bận tâm cảnh báo về những hiểm nguy của dòng kênh, mà là do thời gian đã khiến cho những hiểm nguy đó không còn hữu hình, không còn thúc giục như những nỗi lo lắng của đời sống đối với họ nữa.
Ngoài ra, trẻ con thường thì không nghĩ đến cái chết, nên phụ huynh của chúng không cần quá lo sợ đến tình huống xấu. Họa chăng mấy khi họ vẫn bất an rằng cái chết không phụ thuộc vào ý nghĩ của con người mà ẩn mình trong tấm lưới an bài của tạo hóa. Khi ấy, họ dặn dò đám trẻ con theo lời của dân gian: Chớ có đến gần sông hồ vào ban đêm, ma da sẽ kéo chân.
Đúng vậy. Là ma da.
Lũ trẻ không nghĩ đến bóng tối thì chỉ sợ những bàn tay ma quỷ lạnh lùng lôi kéo.
Hình như cũng vì niềm tin dành cho những điều kỳ bí của sông nước mà người ta mới vẽ mắt thuồng luồng cho thuyền, để dọa cho ma da thủy thần chạy đi. Không có chiếc thuyền nào không tuân theo quy luật tâm linh ấy. Nhờ thế mà ở tuyến đường qua dòng kênh này chưa bao giờ nghe vụ lật thuyền nào. Những câu chuyện rùng rợn mà họ vô tình bắt gặp ở dòng kênh, về những người không may mắn nhận được sự bảo hộ của đấng bề trên, sẽ trở thành ngụ ngôn trên đoạn đường xa xôi về đến nhà của họ. Nội dung của câu chuyện ngụ ngôn, tôi đoán biết được ít nhiều. Những người không phải thương buôn, cũng không phải trẻ em mang trong mình tâm hồn ngây ngô trong sáng, thì biết rõ tìm đến dòng kênh tức là tìm đến thứ gì.
Mười phút sau khi cái xác được vớt lên, khoảng cách giữa người với người dần được nới ra. Con đường hẹp ở khu đông dân cư bị xẻ thành hai chiều di chuyển. Xe tôi xuôi theo dòng chảy của con kênh mà đi. Những người đến từ phía ngược lại vẫn chưa hay biết gì. Hoàng hôn lững thững theo sau bóng lưng họ và tạt vào mặt tôi đỏ lựng. Càng lúc tôi càng đi xa với hiện trường chết chóc ấy. Ở khúc kênh mới, các gia đình trong nhà sàn đang dùng bữa. Tôi nhìn thấy một tấm màn treo sặc sỡ tung bay trên cửa sổ của một gia đình nọ. Giống với những tấm màn mà thương buôn mang đến.
Một lúc lâu sau, tôi đã thôi không nhìn ra phía bờ kênh, nhưng dòng nước vẫn đuổi theo từ đằng sau qua hình ảnh phản chiếu trong kính chiếu hậu. Nó cũng đón đầu tôi ở trước mặt, từ rất xa, cho đến tận cuối con đường…
Cover photo by Nguyên Vũ.