Rời bỏ
Quách Minh Phát

Mùa khô. Trời đan từng đụn mây, cháy sáng một màu trắng làm lóa mắt người.
Ông Tùng ngồi tựa vào gốc chuối, dòm về rặng cây đối diện đằng xa, nơi mà phía dưới từng có một con kinh chảy qua. Chim cò đã mất dạng hai tháng nay. Đất ruộng cứng như ai đổ xi măng, nứt toác ra thành từng những khối sẫm màu. Ông Tùng hay nói với thằng Đậu lúc nó còn nhỏ, nếu múc một thau nước dưới sông mà đổ xuống những cái kẽ đó, nước sẽ trôi xuống tới âm phủ. Bây giờ thì khác. Cả xóm không tìm được một gáo nước đục, lấy đâu ra đồ dư cho con nít chơi. Nhà nước phải đem xe bồn từ xứ khác tới cho dân. Mỗi hộ được ba lít tắm giặt nấu ăn một tuần, bà con thông cảm, bây giờ ở đâu cũng vậy, anh Đoàn viên đội nón tai bèo nhăn mặt nói với đám đông vây quanh trụ sở ủy ban xã. Trong khi người nhà đợi vòi bơm, hì hục xách từng thùng nước, ông Tùng bỏ ra ruộng, ngồi dưới gốc chuối, dòm quanh quất, tìm một máng nước kỳ diệu nào đó. Không giọt nước lóng lánh nào hiện ra, chỉ có hơi đất nóng rát bốc lên, cào xé những vết chai gần khóe mắt.
Bà Lợi hạ gánh nước xuống bếp, ngó ra cửa sổ. Từ đó, bà có thể nhìn thấy gần trọn vẹn miếng ruộng gia đình, với chồng, con trai, con gái, con dâu của bà hì hụi cuốc đất trong một ngày nào đó. Còn ngay lúc này, tấm lưng của chồng bà cong lại dưới tán lá đằng xa, đứng yên, không nhúc nhích.
- Ba ơi, ngày mai là tới hạn rồi, ba quyết định chưa?
Người đàn ông im lặng với phích trà đá đã tan gần hết, quay mặt về phía người con gái. Ông ngồi yên như tượng. Chỉ có chiếc áo sơ mi màu cháo lòng phấp phới trong gió là thứ duy nhất phản hồi câu hỏi của chị.
- Ba ơi, ba có nghe con nói hông?
- Mày nói gì vậy Hiền?
- Ngày mai là hạn chót, chánh quyền người ta kêu mình dọn đi đó. Ba đã quyết định chưa?
Chị Hiền nén ở ngực một nhịp thở ngắt ngang làm chữ “chưa” bị gãy đôi. Lần nào chị hỏi ba mình một điều gì, chữ cuối cùng trong câu nói cũng bị hụt, như cái cách tiếng khóc hồi nhỏ của chị lịm đi theo mỗi hồi roi mây.
- Tụi mày với má mày lên xuồng đi đi. Tao sẽ chết ở đây.
Chị tự hỏi mình đã nghe câu này của ba tới lần thứ mấy. Mỗi trận như vậy, chị với má và vợ chồng thằng Đậu đã ngồi đúng trên bộ ván này, thỉnh ý một ông vua về chuyện đi hay ở. Có lần đang cãi lộn ì xèo thì mấy anh bận quần tây áo sơ mi cầm xấp giấy tờ tới chào anh chị cô chú. Cán bộ xã chưa bao giờ thôi làm chị Hiền bất ngờ với những sự kiện tình tiết mới cài cắm trong lời tuyên truyền vận động di cư. Xóm Xéo bữa rồi nước mặn vô, con nít khát quá múc lên uống, cha mẹ đang đi lượm rơm mướn phải chở đi bệnh viện truyền nước biển đã đời. Xóm Thẳng thì giữa đêm đang ngủ có hai nhà tự nhiên rớt cái ầm xuống sông, bà con chạy ra nghe tiếng đập nước đùng đùng của mấy ông cụ. Những câu chuyện như vậy đã lôi tâm trí những người ngồi trong nhà của Xóm Dọc xuống xuồng, với chiếc máy nổ của xã, chạy thẳng ra khu tạm cư ngoài cù lao từ hồi nào. Không ai biết người đàn ông ngồi trên ghế gỗ nghĩ gì, chỉ thấy ông rót trà từng hồi.
- Ba ơi, tụi con năn nỉ ba đó, ở đây rồi mình phải sống sao?
- Thôi, kệ ổng đi, mày lo ra chỗ dây phơi đồ lấy quần áo vô kia Hiền. Ổng muốn ở hoài với cái cục đất của ổng thì mày để ổng ở đó đi.
Bà Lợi ngoái nhìn chồng và con gái, nói vọng lên, rồi cuộn chiếc chiếu trên bộ ván lại, làm chị Hiền phải nhảy xuống. Ông Tùng không nói gì thêm sau những lời qua lại. Tay bà Lợi rờ vào chỗ bị tróc dây, chỗ ngày xưa con thằng Đậu nằm rồi lấy tay móc ngoáy cho hư chiếu chơi. Rồi cái chiếu này có thể sẽ lên xuồng và thành miếng lót ổ cho cả gia đình bà trong khu tị nạn vào ngày mai. Hoặc có thể, khi hành lý quá khổ, khoang xuồng nhắm không còn tải nổi, bà sẽ phải đốt trụi nó với đống lá bên hè. Bà kể với con dâu, nói gì thì nói, tao sẽ không cắt dây thả chiếu trôi xuôi như ông Út Trà Ôn đâu. Tao sẽ đốt. Ngồi trên xuồng nhìn đồ đạc của mình trôi lỉnh bỉnh, khó chịu lắm bây ơi, thiếu điều tao lội ra vớt lên quá. Đốt mẹ cho rồi, ra tro, đen thui một đống, khỏi tiếc. Cái chiếu bà mua lúc nhà trúng lúa sắm được bộ ván, cái chiếu lót cho vợ thằng Đậu nằm lúc mới đi sanh ở ngoài huyện về, cái chiếu bà ẵm bồng đứa cháu nội, cái chiếu bà ngồi đánh tứ sắc với mấy đứa con ngày Tết. Chiều tối nay, bà sẽ phải định liệu số phận của nó.
Ông Tùng mò sang nhà ông Tư Mạnh. Nhà ông Tư Mạnh đông như có tiệc. Con cháu từ thành phố Đèn Màu ùa về phụ ông dọn dẹp đồ đạc, đóng thùng bỏ lên cano cỡ bự, chở về cảng, đưa lên chỗ ở mới. Ông Mạnh khoe con ông đã kịp mua lại miếng đất của một tay bất động sản trước khi bỏ nghề đi tu. Ông Tùng ơi, đã vậy thằng cha đó còn nói với con tui, bây giờ tới thời mạt thế rồi, ai tu kịp thì tu, biết thiện thì theo, còn không thì thôi vậy. Má ơi, tới giây phút này rồi tu tập tụng niệm gì nữa, con nó mua được miếng đất đặng đi trốn nước mặn là hên lắm rồi. Ở cái xứ này ngồi dòm mấy cây vú sữa cháy lá, lúc đó cháo còn không có ăn nói chi sữa. Ông Mạnh nói một tràng không ngớt, trong khi ông Tùng dán mắt vào đàn con người hàng xóm đang chia nhau gỡ bộ bàn ghế thành từng tấm gỗ và mấy đứa cháu rượt nhau té khói quanh gốc mai trước sân.
- Chừng nào ông đi? - Mắt ông Tùng như lác đi, miệng mấp máy những tiếng nhẹ bâng.
- Sớm mơi. Đi sớm cho đỡ nắng. Từ đây đi cano lên trển cỡ 6 tiếng. Không biết buồn ngủ có chỗ nằm hôn, sợ trên tàu nó lắc lư, óc nhảy lên nhảy xuống cũng đủ điên.
- Rồi mồ mả ông bà tổ tiên, ông tính sao ông Mạnh?
Tư Mạnh bật cười, nhìn thẳng vào mắt ông Tùng, đập tay lên đôi vai sắp rã của ông.
- Tro mà theo nước thì nó cũng tan thôi ông già. Cái chánh là ở đây nè.
Ông Tư trỏ ngón tay vào giữa ngực, ngoáy sâu vào mấy lần.
Trời bắt đầu ngả chiều nhanh hơn. Nắng đổ lên mái nhà ông Tùng lóe tia lửa. Mây trắng đã tan, giờ cả một vùng trời hoang hoải một màu xanh kỳ lạ. Đứng trong đống ánh sáng đầy các thứ tia hồng ngoại tia tử ngoại tia bà ngoại, ông Tùng thấy như mình bị đâm thủng bởi sức nóng lạ lùng. Cái thứ nóng mà nhà đài ra rả năm sau cao hơn năm trước, năm trước đạt đỉnh năm sau đạt đỉnh của đạt đỉnh đã nướng cháy một đứa nhỏ mà ông gọi là cháu đích tôn. Cán bộ làm giấy khai tử bĩu môi khinh khỉnh, hỏi gia đình mình bộ phơi nắng cháu quên đem vô hay sao. Lúc ấy ông Tùng chỉ muốn xông tới táng một bạt tai mặc kệ tên ông có thể được lan truyền tới đâu trên đài vì hành hung nhân viên công quyền. Ba năm qua, ông phơi mình dưới mớ nắng ấy cùng vợ và mấy đứa con để cào xới mảnh ruộng đã héo hon. Có những buổi trưa mơ màng dưới gốc chuối, nắng tạt vô mặt, ông nghe tiếng con nít gọi lay bên tai, ông nội ơi nóng quá.
Đứng trước sân, ông dòm vô căn nhà của mình. Chính giữa nhà trước, chỗ bàn thờ tổ tiên, thằng Đậu đã tháo hình xuống, lót giấy báo bỏ vô rương. Tấm lịch tháng của ngân hàng tặng, cái đồng hồ màu vàng bị đóng bụi và mạng nhện, ảnh cưới vợ chồng thằng Đậu đều đã biến mất khỏi bức tường úa. Gian trước bây giờ không còn gì ngoài mấy miếng decal rắc kim tuyến “T Â N H Ô N”, bộ bàn ghế gỗ mà ông tự tay đục lấy, và một ấm trà chơi vơi. Đằng sau nhà là những thùng đồ chất đống mà con xuồng èo ẹt được giao phó chuyên chở sớm mai. Con sông trước nhà đã cạn, hai vợ chồng thằng Đậu và chị Hiền đã kịp đẩy xuồng ra bến đầu xóm, chỗ mà dân đang tập trung lên đường di cư, và nhờ người quen trông giùm. Ngày mai, người đó cũng sẽ lên xuồng mà chạy.
- Ba ơi, vậy ba có đi với tụi con hông? - Thằng Đậu quơ miếng rau muống luộc trong chén, nhai ngồm ngoàm, hỏi ông già.
- Trời ơi Đậu ơi, mày cho nhà ăn cơm cái đi được hông? Mém bể bình trà bây giờ mày muốn cho bể luôn cái nồi cơm hả gì? - Chị Hiền gõ đôi đũa vô thành nồi cơm như muốn réo lên dù cơm đang đầy miệng.
- Thôi anh ơi, lo ăn đi, lát còn lo dọn cho xong mớ đồ.
- Thằng Đậu, con Hiền, con Hoa, ba đứa tụi mày khỏi có lo. Ổng già rồi, ổng phải tự biết lo cho ổng chớ. Tụi mày còn trẻ, tụi mày phải sống tiếp. - Bà Lợi nuốt ngụm canh, tằng hắng, nhìn vào mắt ông Tùng mà nói.
- Vậy sao má không ở lại nuôi ba đi? - Chị Hiền bĩu môi, nhìn ngang về bà Lợi.
- Mày đừng có nói xóc tao. Ờ, tao sợ chết đó, nên tao đi theo tụi mày. Ba mày ổng thương cái xứ này lắm, tao không có chữ tín, tao đi, tao chấp nhận làm người bội bạc. Vừa lòng tụi bây chưa? - Bà Lợi dừng đũa, nhếch môi, giọng nhấn nhá, mắt liếc ông Tùng rồi nhìn sang mấy đứa con.
Lùa hết mớ cơm trong chén, ông Tùng đi thẳng ra lu, múc nước dưới đáy quẹt ngang miệng. Ông thay chiếc quần đùi bằng cái quần dài hơn hai tháng nay chưa dám mặc, lần cuối đem giặt là trước khi nước mặn vô. Trở lên nhà trước, nhón chân chỗ tủ thờ, ông bỏ cái hột quẹt gần cạn dầu vô túi áo, tay kéo bó nhang ám bụi nằm kế bên lư hương, đi lững thững ra lộ. Tới gần cuối đường, ông sẽ luồn qua vách nhà bà Tám Cải, chỗ trước ngày trước đầy sình non và lá mục. Ông sẽ lội bộ thêm một đoạn nữa và dừng lại giữa một đám cỏ cây chết khô, nơi có hai mộ đất của ba má ông cao sừng sững như hai pháo đài và nép một góc là nấm mộ xi măng lát gạch nhỏ xíu của con thằng Đậu. Rút trong túi ra cái hột quẹt, ông châm lửa đốt cả bó nhang, quỳ sụp xuống đất, mắt nhắm nghiền. Gió bắt đầu nổi lên, thổi tung mớ tóc đang chuyển trắng của người đàn ông. Nắng đã tắt từ lâu và mặt trời đã rớt phân nửa xuống rặng cây xa xa, để lại một màu trời xanh đậm, lành lạnh, rợn ngợp bao trùm.
Có khói bốc lên từ phía sau nhà. Mùi khói lạ lùng hòa trộn đủ thứ chất liệu xộc vào mũi ông Tùng. Bằng tất cả sức lực còn lại, đang thong thả đi bộ về, ông chạy thẳng ra phía ruộng. Một đám lửa cuộn tròn, nhảy múa đang nuốt từng cái lá nhỏ vào miệng nó, rồi đến cái chổi chà, và cuối cùng là nửa chiếc chiếu đang co mình. Lửa lè lưỡi làm chảy những nốt dây và bẻ dọc ngang những thanh tre vốn được bó lại. Phía bờ tường đối diện đám cháy, ông thấy bà Lợi đứng sững, hình hài chìm trong bóng tối. Bà úp mặt vào chiếc khăn rằn quấn trên cổ, không nói một lời.
Đêm đó, vắt tay lên trán nằm thiu thiu, ông Tùng chiêm bao nhớ lại lúc cán bộ xã xuống nhà lần cuối cùng để nắn gân ông. Cán bộ lau mồ hôi trán đang chảy ròng ròng, nói mới dẫn hai nóc gia lên tàu chạy ra khu tị nạn. Xóm này còn có mấy hộ à, hốt đi luôn chứ vài bữa nữa người ta tới cưỡng chế tốn công anh em xuống thì phiền quá. Nhưng mà có khi chánh quyền chưa kịp tới là ông hà bá ổng cưỡng chế trước rồi. Trong cơn mơ ngầy ngật, ông vẫn còn thấy rõ mồn một hai gò má sượng ngắt của cán bộ xã khi thấy mặt ông Tùng đực ra sau bao nhiêu lời nài nỉ rồi đến móc mỉa. Cán bộ tiu nghỉu xỏ giày da, bỏ lại đống giấy lộn trên bàn mà ở giữa cộm lên một tờ bìa cứng màu đỏ. Ông Tùng thất thểu chạy chân không theo cán bộ, cậu ơi cậu bỏ quên miếng sổ đỏ nè, nhà cửa mình mà sao để quên vậy trời. Người đàn ông đi thẳng, không ngoảnh lại.
Sáng hôm sau, bà Lợi và các con trợn mắt khi thấy ông Tùng đã tắm rửa, thay đồ đẹp hẳn hoi, soạn sẵn một giỏ quần áo đặt kế bên mớ thùng đồ vận chuyển của họ. Tui sẽ đi, ông nói gọn hơ, rồi hớp ngụm nước trà còn lại trong ly nhựa. Không ai hỏi lại rằng ông có thực sự muốn đi không, khi ông ăn bận như thể sắp đi thành phố Đèn Màu ăn đám cưới.
Gia đình ông Tùng bà Lợi chất những thùng đồ làm khoằm hẳn khoang xuồng, kéo người ngồi xen kẽ để đảm bảo thuyền không lật. Thằng Đậu giựt máy nổ, cái máy ọt ẹt của chánh quyền cho mượn trong chiến dịch di tản lần này. Xuồng chạy vượt qua những rặng cây xanh cuối cùng của miệt, nơi mà nước mặn vì một lẽ nào đó vẫn chưa xâm chiếm, rồi đi qua những con rạch đục ngầu bùn và phù sa do hàng đoàn tàu ghe nối nhau di tản.
Xuồng nhà ông Tùng gần ra tới cửa biển, chỗ ôm cua để bắt ngược qua bên cù lao, bỗng một tiếng còi inh ỏi từ phía sau vang lên theo gợn sóng từ xa đập vào làm chao đảo xuồng. Những thuyền bè đi chung cũng dừng lại, nghe ngóng một thông điệp trời ban gì phóng ra từ loa phát thanh của chánh quyền. Thứ giọng rè rè từ loa cuối cùng cũng được giải mã bởi vợ thằng Đậu. Xuồng ghe né ra, đất lở, mấy ổng đang la kìa. Trong một tích tắc, thằng Đậu bẻ lái con xuồng dạt ra khỏi dòng nước chảy xiết, tấp vào một rặng cây đước. Từ đằng xa, cả mỏm đất Xéo Dọc lừng lững trôi tới, đập vào những thuyền chở người tị nạn, bẻ gãy và lật úp chúng xuống nước. Mọi căn nhà nằm nguyên vẹn trên mỏm đất như chưa hề có một sự đứt gãy nào, như những lời tuyên bố được in ấn chắc nịch trên báo mà ông Tùng đọc tới thuộc lòng dù ông không hiểu lắm, rằng chuyện đất chìm là chưa đủ cơ sở khoa học, là tình huống cực đoan rất khó xảy ra và không được khuyến cáo, là trong hạ thì vẫn có nâng phẩy tuy rất ít chấm. Núp bên rặng đước, cả nhà ông Tùng vẫn còn thấy cái tủ thờ sau cánh cửa lắc lư theo nhịp sóng, cả cái sân trước nhà ông Tư Mạnh với cây mai đậu hoa rực rỡ mỗi năm, thấy cả bà Tám Cải chạy hớt hải trên miếng đất trôi vẫy tay gọi í ới những xuồng di tản, và cuối cùng là ba nấm mộ giữa đám cỏ khô, trước khi cả miếng đất khổng lồ tiếp tục trôi ra xa, trượt vào một vùng xoáy nước cuồn cuộn và tan thành bọt trắng.
Cover photo by Nguyên Vũ.